TRƯỜNG QUẢN TRỊ KINH DOANH - VINACOMIN

Hotline: (84)24 33 519 224

Kết quả tư vấn đánh giá nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công ty cổ phần than Núi Béo - Vinacomin 2013

By Admin in Các đề tài

KẾT QUẢ TƯ VẤN ĐÁNH GIÁ NHU CẦU ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ

 CÔNG TY CỔ PHẦN THAN NÚI BÉO - VINACOMIN NĂM 2013

                                                                 

Tập đoàn Công nghiệp Than & Khoáng sản Việt Nam (Tập đoàn) là một trong các tập đoàn Kinh tế hàng đầu Việt Nam có nhiệm vụ quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội. Với lực lượng lao động đông đảo, có kiến thức, trình độ, tính kỷ luật và đồng tâm, trong gần 20 năm qua Tập đoàn luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó. Xác định yếu tố con người là then chốt trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, Tập đoàn thường xuyên quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ lao động, nhất là đội ngũ cán bộ quản lý và chuyên môn nghiệp vụ. Để thực hiện tốt công tác đào tạo trong doanh nghiệp, một trong các bước Tập đoàn và các công ty đã thực hiện là xác định nhu cầu đào tạo dựa trên chiến lược, kế hoạch sản xuất và đề xuất của các ban, phòng chuyên môn.

Về mặt lý thuyết và thực tiễn, qui trình đào tạo gồm năm bước: đánh giá nhu cầu đào tạo, thiết kế khóa học, phát triển tài liệu, tổ chức đào tạo và đánh giá hiệu quả đào tạo. Trong đó việc đánh giá đúng và đầy đủ nhu cầu đào tạo là việc cơ bản làm nền tảng cho các bước tiếp theo của qui trình đào tạo. Xác định đây là vấn đề quan trọng, cần thiết liên quan trực tiếp đến chất lượng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nên Công ty Than Núi Béo đã phối hợp với trường Quản trị Kinh doanh Vinacomin thực hiện tư vấn ‘Đánh giá nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công ty Cổ phần Than Núi Béo – Vinacomin năm 2013’.  

clip image002Để tiến hành tư vấn về đánh giá nhu cầu đào, bồi dưỡng cán bộ của Công ty Cổ phần Than Núi Béo-Vinacomin, nhóm tư vấn đã thực hiện các bước thu thập, phân tích, xử lý số liệu và đánh giá kết quả như sau:

I. Cơ sở lý thuyết về đánh giá nhu cầu đào tạo

1.1  Tổng quan về đánh giá nhu cầu đào tạo

  • Đào tạo trong doanh nghiệp là quá trình trang bị những Kiến thức, Kỹ  năng  Thái độ cần thiết  mà người lao động chưa có để họ cải thiện hiệu quả làm việc tại vị trí hiện tại hoặc để chuẩn bị  cho  người  đó  đảm nhiệm vị trí mới hoặc công  việc  mới theo mục tiêu của doanh nghiệp..
  • Đánh giá nhu cầu đào tạo (Training Need Assessment) là quá trình xác định  “khoảng cách” giữa kết quả công việc mong muốn và kết quả công việc thực tế để tìm ra sự thiếu hụt kiến thức, kỹ năng để hoàn thành tốt các mục tiêu công việc của tổ chức.

1.2   Phương pháp đánh giá nhu cầu đào tạo

Để có thể tìm ra sự thiếu hụt kiến thức, kỹ năng khi phân tích khoảng cách về kết quả công việc, mô hình phân tích sau đây được áp dụng rộng rãi cho các doanh nghiệp: Phân tích tổ chức, phân tích công việc và phân tích cá nhân.

clip image004

  • Phân tích tổ chức: Là việc phân tích ngữ cảnh triển khai đào tạo, sẽ bao gồm phân tích các chiến lược, nguồn lực cho đào tạo và văn hóa học tập của công ty
  • Phân tích công việc: Là việc xác định các nhiệm vụ của một công việc và các kiến thức, kỹ năng cần thiết để thực hiện nhiệm vụ công việc đó. Nhu cầu đào tạo được phân tích ở các bộ phận theo logic sau: Mục tiêu, kết quả công việc được giao à Các công việc trọng tâm à Năng lực thực hiện à nhu cầu đào tạo à Kế hoạch đào tạo. 
  • Phân tích cá nhân: Phân tích cá nhân là quá trình xác định rõ ai là người cần đào tạo thông qua khoảng cách về kết quả công việc liên quan tới thiếu hụt năng lực của từng cá nhân và những mong đợi của người học về các chương trình đào tạo. Việc đánh giá năng lực này thông qua việc phỏng vấn trực tiếp và khảo sát định lượng bằng bảng hỏi để xác định được các ưu tiên cho đào tạo và làm cơ sở đề xuất triển khai đào tạo cho phù hợp.

II. Quy trình đánh giá nhu cầu đào tạo tại Công ty Cổ phần Than Núi Béo

Căn cứ vào mục tiêu và các kết quả cần đạt được của việc tư vấn, nhóm tư vấn đã triển khai các công việc theo quy trình đánh giá nhu cầu đào tạo và xây dựng kế hoạch đào tạo chuẩn phù hợp với ngữ cảnh của Công ty CP Than Núi Béo - Vinacomin. Tóm tắt các bước thực hiện như sau:

2.1 Phân tích dữ liệu thứ cấp

Căn cứ vào các dữ liệu sẵn có liên quan tới công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực được Công ty cung cấp và một số thông tin liên quan trên trang thông tin điện tử (website), chúng tôi đã tiến hành tổng hợp, phân tích và đánh giá nhu cầu đào tạo sơ bộ theo một số nội dung sau:

  • Lĩnh vực hoạt động và định hướng, kế hoạch sản xuất – kinh doanh chung của Công ty năm 2013 và giai đoạn 2015 – 2020; Đặc biệt định hướng chuyển từ khai thác lộ thiên sang khai thác hầm lò và mục tiêu phát huy hiệu quả kinh doanh bằng cách  quản lý chi phí hiệu quả.
  • Công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực của Công ty trong thời gian qua (3 năm gần đây) liên quan tới: (1). Cơ chế chính sách đào tạo nhân viên, (2). Nguồn lực dành cho đào tạo hàng năm, (3). Sự tham gia của các bộ phận/cá nhân vào công tác đào tạo, (4). Văn hóa, thói quen và động lực học tập của nhân viên Công ty than Núi Béo;
  • Chức năng, nhiệm vụ chính của các đơn vị trong khuôn khổ dự án (các phòng chức năng, các phân xưởng vận tải, các công trường khai thác than...). Đặc biệt tìm hiểu các công việc trọng tâm trong năm 2013;
  • Tìm hiểu về các vấn đề đã/đang phát sinh trong năm 2012 và các vấn đề có thể phát sinh trong năm 2013 căn cứ vào chiến lược khai thác than hầm lò, mục tiêu quản lý chi phí hiệu quả và kết quả công việc suy giảm hoặc không theo kế hoạch theo từng mảng công việc (quản lý, chuyên môn, hỗ trợ…);
  • Đánh giá sơ bộ về nguồn nhân lực của công ty (số lượng, cơ cấu và năng lực cán bộ, công nhân viên của các đơn vị);

2.2. Thu thập dữ liệu sơ cấp

2.2.1 Phỏng vấn trực tiếp

Là bước quan trọng để khẳng định một cách định tính các giả định về nhu cầu đào tạo của Công ty thông qua việc trao đổi trực tiếp và chuyên sâu với cán bộ quản lý của các đơn vị trực thuộc. Các công việc đã được thực hiện như sau:

  • Căn cứ vào kết quả nghiên cứu dữ liệu thứ cấp, nhóm nghiên cứu xây dựng các bảng hỏi phỏng vấn (interview guidelines) cho từng phòng tham gia phỏng vấn. Tổng số gồm có 17 bảng hỏi để định hướng phỏng vấn 17 phòng và đơn vị trực thuộc công ty. Bao gồm: Phòng Tổ chức-Đào tạo, Phòng Lao động-Tiền lương, Phòng Kế hoạch tiêu thụ, Phòng quản lý chi phí, Phòng Điều hành sản xuất, Phòng KCS, Phòng Kỹ thuật vận tải, Phòng Đầu tư xây dựng cơ bản, Phòng Cơ điện mỏ, Phòng An toàn, Phòng Công nghệ tin học, Phòng Kỹ thuật mỏ, 06 phân xưởng vận tải, Phân xưởng trạm mạng, các công trường khai thác than,
  • Tiến hành 17 cuộc phỏng vấn trực tiếp theo kế hoạch với các cán bộ lãnh đạo, chuyên viên các phòng và các bộ phận trực thuộc Công ty.
  • Tổ chức các buổi hội thảo nhóm cán bộ tham gia phỏng vấn để tổng hợp và phân tích thông tin liên quan;

2.2.2 Bảng hỏi khảo sát

Thu thập và xử lý các dữ liệu sơ cấp là một việc quan trọng giúp cho nghiên cứu định lượng về các vấn đề phát sinh trong công việc, sự thiếu hụt kiến thức, kỹ năng và các mong đợi về các khóa đào tạo liên quan trong các mảng/bộ phận của Công ty. Nhóm tư vấn đã thực hiện như sau:

  • Căn cứ kết quả nghiên cứu dữ liệu thứ cấp, các cuộc phỏng vấn sâu, nhóm chuyên gia kết luận về các vấn đề, các câu hỏi cần phải được nghiên cứu định lượng để có kết luận phù hợp;
  • Xây dựng bảng hỏi để đánh giá một cách định lượng các nhiệm vụ trọng tâm, mức độ thành thạo của các kiến thức kỹ năng về chuyên môn, kiến thức kỹ năng chung và kiến thức kỹ năng về quản lý, các mong đợi về đào tạo để gửi cho các đơn vị của Công ty.
  • Tổng số bảng hỏi gửi đến công Công ty là 130, tổng số bảng hỏi thu về là 118.
  • Phối hợp với Phòng Tổ chức- Đào tạo gửi phiếu xin ý kiến các đơn vị và tổng hợp dữ liệu chung;
  • Nhập và xử lý các dữ liệu bằng phần mềm SPSS và chiết xuất ra các dữ liệu theo yêu cầu nghiên cứu để khẳng định lại các giả định về nhu cầu ban đầu;
  • Viết báo cáo phân tích dữ liệu

 2.3 Phân tích tổng thể và lập báo cáo kết quả

Sau 3 bước thu thập và phân tích các dữ liệu liên quan ở các bước trên, nhóm tư vấn đã tiến hành đánh giá, phân tích tổng thể nhu cầu đào tạo của Công ty, trong đó tập trung chuyên sâu vào: Quản lý, chuyên môn, và các kỹ năng chung. Việc phân tích tổng thể được thực hiện theo các nội dung và tiến trình: (1) Công việc chính à (2) Năng lực cần thiết để thực hiện công việc à (3) Một số vấn đề công việc còn tồn tại, thực trạng năng lực cán bộ hiện nay à (4) Khoảng cách giữa năng lực cần thiết và thực trạng năng lực hiện nay à (5) Nội dung đào tạo à (6) Cách thức tổ chức triển khai để đảm bảo hiệu quả. Các công việc được thực hiện theo quy trình trên gồm:

  • Tổng hợp toàn bộ dữ liệu từ các phân tích trên, đặc biệt là kết quả ban đầu từng bước;
  • Tiến hành phân tích theo tiến trình 5 bước trên;
  • Lập báo cáo đánh giá nhu cầu và xây dựng kế hoạch đào tạo Công ty Than Núi Béo năm 2013 theo mẫu chuẩn;

Qua quá trình đánh giá nhu cầu đào tạo Công ty, nhóm nghiên cứu đã xác định nhu cầu đào tạo để đáp ứng 02 yêu cầu về đào tạo: (1) Chuẩn bị cho việc chuyển đổi từ khai thác lộ thiên sang khai thác hầm lò (2) Tổ chức sản xuất, kinh doanh hiệu quả; hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm và tiết giảm chi phí. Các mảng kiến thức kỹ năng cần thiết được phân tích bao gồm:

  • Năng lực chuyên môn nghiệp vụ theo từng đơn vị (phòng, phân xưởng, công trường)
  • Năng lực chung cho cán bộ các đơn vị
  • Năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ quản lý các đơn vị

III. Kết quả dự án tư vấn đào tạo tại Công ty Than Núi Béo

Qua việc phân tích đánh giá thực trạng công tác đào tạo tại Công ty Than Núi béo, nhóm tư vấn đã xây dựng được:

(1) Báo cáo đánh giá thực trạng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tại Công ty giai đoạn 2010-2012 và đưa ra các đề xuất, khuyến nghị về định hướng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực công ty giai đoạn 2013-2020.

(2) Báo cáo đánh giá nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tại các phòng, phân xưởng và công trường khai thác than tại Công ty và đề xuất kế hoạch đào tạo cũng như công tác triển khai đào tạo năm 2013 theo ba mảng kiến thức, kỹ năng như sau:

+ Kiến thức, kỹ năng về quản lý dành cho đội ngũ cán bộ quản lý
+ Kiến thức, kỹ năng làm việc cá nhân của đội ngũ cán bộ các đơn vị trực thuộc công ty
+ Kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ các đơn vị trực thuộc công ty

Kết luận:

Đánh giá nhu cầu đào tạo là khâu quan trọng trong quy trình đào tạo trong doanh nghiệp giúp cho doanh nghiệp xác định chính xác ai cần đào tạo, đào tạo về lĩnh vực gì và đào tạo như thế nào cũng như tiết kiệm được chi phí đào tạo và thời gian đào tạo. Tư vấn về đánh giá nhu cầu đào tạo giữa trường Quản trị Kinh doanh và Công ty Than Núi Béo là một xu hướng, là bước đi đúng và phù hợp với yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo trong doanh nghiệp góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên môn và thợ mỏ có trình độ, kỹ năng của Công ty.

                                                                        Nhóm thực hiện đề tài [1]


[1] Phạm Đăng Phú, Vũ Hùng Phương, Trần Quang Huy, Nguyễn Thị Kim Chi, Trần Xuân Chiến, Nguyễn Bích Ngọc, Trần Thị Thắm, Vũ Thị Thu Hương, Nguyễn Thị Hạnh Chi, Phạm Thị Diệu Linh, Nguyễn Thanh Nguyệt, Nguyễn Hồng Quang, Triệu Thế Anh, Nguyễn Ngọc Bích



Liên kết Đối tác