TRƯỜNG QUẢN TRỊ KINH DOANH - VINACOMIN

Hotline: (84)24 33 519 224

Samsung: Mô Hình Đào tạo Tiên tiến

By Admin in Nghiên cứu khoa học

Nằm trong chương trình hợp tác giữa tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ), Tổng cục Dạy nghề Việt Nam và cơ quan Phát triển Nhân lực Hàn quốc (HRD). Trường Quản trị kinh doanh –Vinacomin được Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam cử 01 học viên tham gia khóa đào tạo về “Xây dựng Modul đào tạo trong Doanh nghiệp” tại Hàn Quốc. Trong đợt học tập tại Hàn quốc, học viên đã được tham quan nhiều mô hình đào tạo tại các Tập đoàn Kinh tế lớn của bạn, trong đó có Tập đoàn Samsung. Sau đây tôi xin giới thiệu sơ lược về 1 mô hình đào tạo Cán bộ quản lý của Tập đoàn Samsung để tham khảo

MÔ HÌNH ĐÀO TẠO TIẾN TIẾN CỦA TẬP ĐOÀN SAMSUNG – THỰC TIỄN TỪ MỘT KHÓA ĐÀO TẠO

Nằm trong chương trình hợp tác giữa tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ), Tổng cục Dạy nghề Việt Nam và cơ quan Phát triển Nhân lực Hàn quốc (HRD).Trường Quản trị kinh doanh –Vinacomin được Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam cử 01 học viên tham gia khóa đào tạo về “Xây dựng Modul đào tạo trong Doanh nghiệp” tại Hàn Quốc. Trong đợt học tập tại Hàn quốc, học viên đã được tham quan nhiều mô hình đào tạo tại các Tập đoàn Kinh tế lớn của bạn, trong đó có Tập đoàn Samsung. Sau đây tôi xin giới thiệu sơ lược về 1 mô hình đào tạo Cán bộ quản lý của Tập đoàn Samsung để tham khảo

Hình thành từ một công ty thương mại nhỏ tại Taegu, tỉnh North Kyungsang vào năm 1938, ngày nay Samsung đã trở thành một trong những tập đoàn (chaebol) sản xuất kinh doanh đa ngành lớn nhất Hàn Quốc với hơn 344.000 nhân viên trên toàn thế giới. Không giống như mô hình kinh doanh của các nước Phương tây, Tập đoàn kinh doanh đa ngành từ điển tử, cơ khí, hóa chất đến dịch vụ tài chính. Năm 2010 doanh số của Samsung đạt 220,1 tỷ USD với lợi nhuận 21,2 tỷ USD. Trong đó doanh số của công ty lớn nhất trong Tập đoàn là công ty Điện tử Samsung (Samsung Electronics) đã lên đến 135,8 tỷ USD chiếm 62% tổng doanh thu của Tập đoàn và lợi nhuận là 13,9 tỷ USD[1]. Hiện nay Samsung Electronics có hơn 190.500 nhân viên tại 206 văn phòng, cơ sở sản xuất tại 68 quốc gia trên thế giới và là 1 trong 20 thương hiệu hàng đầu thế giới năm 2010.

Để có được những bước phát triển nhanh, bền vững, nhất là sau khủng hoảng tài chính Châu Á cuối những năm 1990 và khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay, Tập đoàn Samsung cũng như các công ty thành viên (đặc biệt là công ty Điện tử Samsung) đã tập trung vào chiến lược phát triển nguồn nhân lực một cách bài bản như xây dựng chiến lược nguồn nhân lực trong dài hạn, trung hạn và ngắn hạn; các chính sách thu hút nhân tài; chính sách đãi ngộ thỏa đáng; xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo... Tập đoàn Samsung cũng như các công ty thành viên rất chú trọng tới công tác đào tạo nguồn nhân lực và coi đây là một công cụ, một cách thức để nâng cao trình độ đội ngũ nhân lực. Tập đoàn cũng như các công ty thành viên đều xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và hình thức kinh doanh của mình.

Samsung thực hiện chương trình đào tạo đầu tiên vào tháng 3/1957 với tên gọi “Tuyển dụng Định hướng”. Trải qua 55 năm hình thành và phát triển, Trung tâm Phát triển Nguồn nhân lực của Samsung đã có 3 cơ sở hiện đại tại Seoul và thành phố Yongin.

 

 

Trung tâm Phát triển Nguồn nhân lự Changjo Kwan một trong 3 cơ sở đào tạo của Tập đoàn Samsung

 

Tại cấp Tập đoàn, để đáp ứng chiến lược phát triển nguồn nhân lực, Samsung đang triển khai thực hiện theo ba chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu phát triển đội ngũ quản lý đáp ứng chiến lược kinh doanh toàn cầu của mình. Các chương trình đào tạo được thiết kế phù hợp với trình độ, đối tượng quản lý và nhu cầu phát triển của Samsung.

 

 

Trong đó:

- Chương trình ‘Chia sẻ Giá trị Samsung’ (SVP - Samsung Value Program): chia sẻ về giá trị và triết lý quản lý của Samsung. Đối tượng là các nhà quản lý mới được bổ nhiệm hoặc tuyển dụng, các nhà điều hành và CEO của các công ty thành viên. Mục tiêu của chương trình là giúp cho các đối tượng trên thực hiện theo định hướng thống nhất của tập đoàn.

- Chương trình ‘Lãnh đạo Kinh doanh Samsung’ (SLP – Samsung Business Leadership Program): nuôi dưỡng các nhà lãnh đạo tương lai của Tập đoàn do vậy chương trình này phải tuân thủ chặt chẽ theo quy trình “Lựa chọn - Phát triển - Bổ nhiệm” nhân sự. Khâu lựa chọn và bổ nhiệm do bộ phận nhân sự đảm nhiệm còn khâu phát triển nhân sự thuộc chức năng của bộ phận phát triển nguồn nhân lực. Học viên chủ yếu ở các cấp điều hành (các phó chủ tịch, nhà điều hành cấp cao, tổng giám đốc). Mục tiêu của khóa học giúp các học viên biết cách làm thế nào để trở thành “số 1” trong lĩnh vực của mình.

- Chương trình ‘Tài năng Toàn cầu Samsung’ (SGP – Samsung Global Talent Program): hiện nay đang đào tạo 20 ngoại ngữ khác nhau, trong 10 tuần liên tục cho cán bộ quản lý. Chương trình này đã hỗ trợ rất nhiều để Samsung trở thành một tập đoàn mang tính toàn cầu đúng nghĩa như ngày hôm nay.

Dựa trên cơ sở mô hình đào tạo phát triển nguồn nhân lực chung của tập đoàn, các công ty thành viên xây dựng mô hình đào tạo riêng phù hợp với đặc điểm, lĩnh vực kinh doanh và nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của mình. Một trường hợp điển hình là Công ty Điện tử Samsung. Công ty xây dựng một chương trình đào tạo mang tính hệ thống trong đó bộ phận quản lý nguồn nhân lực, bộ phận đào tạo và bộ phận chức năng hợp tác một cách chặt chẽ trong việc xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực. Bên cạnh chương trình đào tạo nội bộ, Công ty cũng triển khai các chương trình đào tạo kết hợp với các trường đại học nổi tiếng và các chuyên gia của khu vực nhằm nâng cao năng lực của nguồn nhân lực. Mục tiêu của chương trình phát triển nguồn nhân lực của Công ty là xây dựng chương trình đào tạo đem lại lợi ích thực sự cho hoạt động kinh doanh. Tổ chức phát triển nguồn nhân lực bao gồm hai hệ thống: (i) trung tâm nghiên cứu kỹ thuật ở cấp độ công ty nhằm thúc đẩy những năng lực cốt lõi chung và (ii) các tổ chức đào tạo cấp phòng/ban chịu trách nhiệm về các yêu cầu kỹ thuật đặc biệt.

Chương trình phát triển nguồn nhân lực của công ty áp dụng chiến lược “Lựa chọn Tập trung” để nâng cao năng lực cốt lõi trong lĩnh vực kỹ thuật số nhằm nhận biết tầm nhìn của một công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này. Năng lực cốt lõi trong lĩnh vực kỹ thuật số tập trung vào bốn nội dung gồm: chia sẻ giá trị, bồi dưỡng lãnh đạo tương lai, nâng cao năng lực toàn cầu và phát triển chuyên gia.

 

 

Trong đó:

  • Chương trình ‘Chia sẻ giá trị’: mục đích là chia sẻ triết lý quản lý, nguyên tắc, tầm nhìn và giá trị cốt lõi cũng như củng cố quyết tâm chung của công ty là theo đuổi sự đổi mới không ngừng. Có nhiều chương trình khác nhau được thực hiện theo từng đối tượng như nhân viên mới, nhân viên mới đã có kinh nghiệm và các khóa học theo cấp bậc chức vụ (các nhà quản lý, lãnh đạo nhóm và người điều hành)
  • Chương trình ‘Lãnh đạo tương lai’: mục tiêu của chương trình nhằm nuôi dưỡng thế hệ lãnh đạo tương lai. Đó là những người sẽ khởi xướng các ý tưởng, sáng kiến tương lai trong việc dẫn đầu cuộc cách mạng kỹ thuật số và trở thành công ty hàng đầu thế giới. Công ty có chiến lược lựa chọn và nuôi dưỡng các nhà lãnh đạo tương lai từ những nhà quản lý và điều hành tài năng đồng thời duy trì một đội ngũ những nhân viên đầy tiềm năng ở mỗi cấp.
  • Chương trình ‘Tài năng toàn cầu’: Công ty tổ chức một hệ thống các khóa học ngoại ngữ nhằm hỗ trợ nhân viên trau dồi thêm năng lực cạnh tranh toàn cầu bằng Tiếng Anh, Tiếng Trung, Tiếng Nhật và một số ngôn ngữ khác. Khóa học 1 năm thuộc chương trình đào tạo chuyên gia khu vực tập trung vào đội ngũ các ứng viên cho các vị trí công việc ở nước ngoài trong tương lai cũng như đào tạo cơ bản về các điều kiện và yêu cầu công việc tại các nhà máy ở nước ngoài. Trong khi đó, các khóa học chuyên sâu được tổ chức một cách riêng rẽ cho các vị trí ngắn hạn tại nước ngoài. Đồng thời công ty cũng cử nhân viên tham gia các khóa MBA của các trường đại học nổi tiếng trong và ngoài nước để nâng cao năng lực toàn cầu về quản trị nguồn nhân lực, lập kế hoạch và tài chính.
  • Chương trình đào tạo Chuyên gia: tập trung bồi dưỡng các chuyên gia có trình độ trong các lĩnh vực về quản trị nguồn nhân lực, lập kế hoạch, tài chính, đấu thầu mua sắm, đảm bảo chất lượng, thiết kế và quản lý phát minh sáng chế. Trường đào tạo chuyên ngành của Công ty cũng thực hiện các chương trình đào tạo có hệ thống nhằm hỗ trợ nhân viên có thể khai thác được tiềm năng của mình. Công ty cũng có các khóa học về nghiên cứu phát triển (R D) riêng rẽ hợp tác với các trường đại học nổi tiếng của Hàn Quốc và các khóa học của các viện nghiên cứu để bồi dưỡng các chuyên gia về R D.

Qua mô hình đào tạo của Tập đoàn Samsung và các công ty thành viên trong đó có Công ty Điện tử Samsung có thể thấy Trung tâm Đào tạo Nguồn nhân lực của Tập đoàn đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo cán bộ quản lý cấp cao để đáp ứng mô hình sản xuất kinh doanh mang tính toàn cầu. Trong khi đó cấp công ty tập trung đào tạo cán bộ chuyên môn, kỹ thuật đáp ứng nhu cầu phát triển và hình thức sản xuất kinh doanh của mình. Đây là mô hình mà Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam có thể tham khảo để xây dựng mô hình đào tạo phát triển nguồn nhân lực phù hợp với điều kiện hoạt động của Tập đoàn trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế cũng như định hướng “Từ tài nguyên khoáng sản và nguồn nhân lực đi lên giàu mạnh”.

Vũ Hùng Phương - Trường Quản Trị Kinh Doanh Vinacomin

Bài được đăng trên Tạp chí Than&Khoáng sản Việt Nam, năm 2013



Liên kết Đối tác