VĂN HOÁ CÔNG NHÂN MỎ ĐỒNG HÀNH, GÓP SỨC, TẠO XUNG LỰC CHO TỈNH QUẢNG NINH PHÁT TRIỂN

Văn hóa công nhân mỏ cùng với văn hóa biển và văn hóa các dân tộc thiểu số là những yếu tố nội sinh, cấu thành nền văn hóa Quảng Ninh thống nhất trong sự đa dạng, phong phú. Trong đó, văn hóa công nhân mỏ là nét đặc sắc, riêng có và là một trong những nền tảng để xây dựng văn hóa, con người Quảng Ninh.

Nhân dịp kỷ niệm  87 năm Ngày Truyền thống công nhân Vùng mỏ – Truyền thống ngành Than 12/11 (1936-2023), phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã có cuộc trò chuyện với ông Bùi Khắc Trực, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Đảng ủy Than Quảng Ninh, về vấn đề này.

Ông chia sẻ: Các nhà nghiên cứu về văn hóa cho rằng, sự phong phú, đa dạng, nhiều sắc màu của văn hóa Vùng mỏ có được là do có sự giao thoa kỳ diệu giữa nhiều vùng văn hóa với nhau. Quảng Ninh là vùng đất tụ hội dân cư nhiều nơi về sinh sống, làm ăn từ thời kỳ Pháp thuộc cho đến tận ngày nay. Trong đó, chủ yếu là các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng, từ Nghệ An, Hà Tĩnh ra các tỉnh phía Bắc.

Qua thời gian được học tập, làm việc, tôi luyện qua môi trường công tác có tính kỷ luật cao, có trình độ kỹ thuật hiện đại, đã từng bước trở thành những công nhân lành nghề, sản xuất hiệu quả, làm giàu cho bản thân và xã hội. Thợ mỏ đến từ nhiều tỉnh, thành khác nhau cùng với những người dân gốc tại Quảng Ninh đã cùng chung sống hài hòa, tạo nên sự giao thoa đặc biệt về văn hóa. Những gia đình thợ mỏ nhiều thế hệ, xóm thợ, làng mỏ, phố mỏ đông đúc cùng với những tập quán riêng có là nét độc đáo trong cộng đồng dân cư ở Quảng Ninh hiện nay.

Trong các giá trị văn hóa phi vật thể của công nhân mỏ, có thể khẳng định giá trị cốt lõi nhất, làm nên đặc trưng của ngành Than là tinh thần Kỷ luật và Đồng tâm. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, giá trị văn hóa ấy của những người thợ mỏ đã góp phần tô điểm, làm sinh động văn hóa giai cấp công nhân Việt Nam. Đây là tài sản tinh thần vô giá, đã có sức mạnh to lớn làm nên lịch sử và tầm vóc của giai cấp công nhân mỏ cũng như cả Vùng mỏ anh hùng.

– Theo ông, trong sáu thập niên đã qua, ngành Than đã có đóng góp như thế nào cho sự phát triển văn hoá, con người Quảng Ninh?

+ Ngành Than đã đồng hành với sự phát triển của tỉnh, mang bản sắc văn hoá, truyền thống Kỷ luật và Đồng tâm làm giàu cho truyền thống văn hoá Quảng Ninh. Văn hoá công nhân mỏ đã là nét đặc trưng, bản sắc riêng có trong sự đa dạng, phong phú và thống nhất của văn hoá Quảng Ninh. Lịch sử ngành Than có lúc thăng lúc trầm, có lúc than làm ra tồn kho vô số không bán được, đời sống người thợ vô cùng khó khăn nhưng không lúc nào truyền thống của người thợ mỏ bị đứt đoạn. Nó luôn được tiếp nối, kế thừa và phát huy mạnh mẽ. Truyền thống Kỷ luật và Đồng tâm là văn hoá của thợ mỏ, chính là cốt cách của ngành Than. Và chính điều đó đã tạo ra sự khác biệt.

Truyền thống Kỷ luật và Đồng tâm vẫn được lớp lớp các thế hệ thợ mỏ gìn giữ và phát huy.
Truyền thống Kỷ luật và Đồng tâm vẫn được lớp lớp các thế hệ thợ mỏ gìn giữ và phát huy.

– Nếu nói riêng về văn học nghệ thuật trong ngành Than thì sao, thưa ông?

+ Chúng ta được sống trên mảnh đất giàu có về văn hoá, giàu tiềm năng về văn học nghệ thuật, không có nơi nào trên đất nước hội tụ nhiều tiềm năng như Quảng Ninh. Trong quá khứ đã có một dòng chảy văn hóa các vùng miền hội tụ về Quảng Ninh. Nhiều thợ mỏ qua các thế hệ khác nhau đến Quảng Ninh lập nghiệp đã bộc lộ tài năng văn chương nghệ thuật.

Ngành than rất quan tâm đến đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân, trùng tu các di tích lịch sử liên quan đến ngành than, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá công nhân mỏ, trong đó có văn học nghệ thuật, cũng chưa ở đâu có danh hiệu Nghệ sĩ Vùng mỏ, chưa ở ngành kinh tế nào có những hội diễn, liên hoan, có phong trào văn nghệ quần chúng rộng khắp, mạnh mẽ như ngành Than.

Ở góc độ nào đó, nếu nói là chuyên nghiệp thì không hẳn nhưng nói là nghệ thuật quần chúng thì chắc hẳn ít có đơn vị nào duy trì và phát triển phong trào được như ngành Than – Khoáng sản Việt Nam. Phong trào nghệ thuật quần chúng chính là bệ phóng, là nơi tìm kiếm và bồi dưỡng tài năng cho sân khấu ca nhạc. Đã có rất nhiều ca sĩ thành danh từ phong trào nghệ thuật quần chúng xuất thân là người Vùng mỏ. Quảng Ninh cũng sản sinh ra nhiều nghệ sĩ từng công tác ở ngành Than. Họ đã tổ chức nhiều buổi biểu diễn phục vụ công nhân mỏ, phục vụ các huyện biên giới, hải đảo và vào Trường Sơn phục vụ chiến trường.

Và rồi ngành Than tiếp tục nuôi dưỡng, bồi đắp các tài năng văn học nghệ thuật ấy. Cùng với đó, cấp uỷ đảng, công đoàn, đoàn thanh niên trong các mỏ đã tiếp tục quan tâm đời sống tinh thần cho công nhân, làm cho các tài năng ấy đơm hoa kết trái. Những sáng tác của họ gồm những trang văn, những bài thơ, những ca khúc… đã ra đời và đến với công chúng. Và rồi nhiều tác phẩm đã và sẽ còn sống mãi, đồng hành góp sức tạo xung lực xây dựng tỉnh Quảng Ninh.

– Ông có mong muốn điều gì ở đội ngũ văn nghệ sĩ trong ngành Than hiện nay?

+ Tác động của văn học nghệ thuật đến đời sống, sự phát triển kinh tế – xã hội rất lớn. Những cái gì còn khiếm khuyết thì văn học nghệ thuật sẽ vào cuộc để bù đắp, khắc phục, những cái gì là thế mạnh sẽ cổ vũ để phát huy. Đội ngũ những người làm văn học nghệ thuật nói chung và văn học nghệ thuật trong ngành Than nói riêng đã và đang nỗ lực đồng hành cùng với tỉnh, đóng góp vào sự phát triển của tỉnh, xây dựng quê hương Quảng Ninh với hệ giá trị gồm 6 giá trị cơ bản cấu thành: Thiên nhiên tươi đẹp – Văn hóa đặc sắc – Xã hội văn minh – Hành chính minh bạch – Kinh tế phát triển – Nhân dân hạnh phúc”.

– Cá nhân ông ngoài công tác của một người làm tuyên giáo trong ngành Than thì còn là một nhà thơ. Trong thơ của ông, than và người công nhân mỏ có vị trí như thế nào?

+ Với tôi, than là mạch sống, than là em. Và em cũng là than, là hồn cốt trong những tập thơ của tôi. Đó còn là ngọn lửa than rực cháy từ hàng trăm năm qua rồi nay xuất hiện bóng dáng đâu đó trong những câu thơ của tôi. Câu thơ tôi viết còn có hình bóng xuyên suốt của những người thợ mỏ, bởi vì gần 40 năm tôi ở đất mỏ rồi. Tôi xuất thân từ người nhà quê ra Quảng Ninh mà thành người thợ mỏ. Cái chất của thợ đã thấm sâu vào tôi với cái hồn cốt “Kỷ luật và đồng tâm, chúng ta nhất định thắng” là câu khẩu hiệu có từ miệng người thợ mỏ đứng lên đình công năm 1936. Mạch ngầm đó chảy suốt trong thơ tôi và thấm sâu vào trái tim tôi. Người thợ mỏ là đồng đội, là anh em, là người thân của tôi. Người thợ mỏ đã và đang tiếp tục có những đóng góp tích cực xây dựng ngành Than, xây dựng Quảng Ninh để phát triển, trở thành một trong những cực tăng trưởng của cả nước, thành một tỉnh giàu đẹp của phía Bắc.

– Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Nguồn: Báo Điện tử Quảng Ninh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *